Doanh nghiệp nợ đọng BHXH sẽ bị khởi kiện theo Pháp quy mới

Doanh nghiệp nợ đọng BHXH sẽ bị khởi kiện theo Pháp quy mới

Đó là thông tin được ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam chia sẻ với báo chí tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 2/2017 của BHXH Việt Nam.

Theo BHXH Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2017, việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT những tháng đầu năm tiếp tục gia tăng. Đến hết tháng 2/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13 triệu người; BH thất nghiệp là 11,2 triệu người; BHXH tự nguyện là 225 nghìn người và BHYT là 76,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 82% dân số.

Trong 2 tháng đầu năm 2017, toàn ngành đã thu 33.371 tỷ đồng, đạt 11,8% so với dự kiến kế hoạch, tăng 7.539 tỷ đồng (28%) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: thu BHXH bắt buộc là 22.992 tỷ đồng; thu BHXH tự nguyện là 130 tỷ đồng; thu BH thất nghiệp là 1.830 tỷ đồng và thu BHYT là 8.419 tỷ đồng.

Về giải quyết chế độ BHXH, BHYT, toàn ngành đã giải quyết chế độ BHXH cho 1,09 triệu lượt người, tăng 50 nghìn lượt người (5%) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: 26,4 nghìn người hưởng BHXH hàng tháng; 82,5 nghìn lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 974,3 nghìn lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Vẫn còn một số địa phương lập, phê duyệt danh sách đối tượng tham gia BHYT do ngân sách đóng hoặc hỗ trợ đóng chưa kịp thời đã ảnh hưởng đến thời gian phát hành thẻ BHYT của cơ quan BHXH;… trong đó đặc biệt tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT những tháng đầu năm tiếp tục gia tăng, trong khi đó vấn đề khởi kiện DN nợ đọng BHXH vẫn còn khá nhiều vướng mắc về hồ sơ, thủ tục.

Về vấn đề khởi kiện các DN nợ BHXH, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, theo Luật BHXH 2014, đã có hiệu lực từ đầu năm 2016 thì Liên đoàn Lao động có trách nhiệm khởi kiện các DN nợ, trốn đóng BHXH. Luật đã có hiệu lực hơn 1 năm nay, tuy nhiên việc khởi kiện DN rất khó thực hiện.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam triển khai công tác này. Hai bên đã ký Quy chế số 2803/QCPH-TLĐ-BHXH về công tác phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT (giai đoạn 2015-2020) và đã có 59/63 LĐLĐ tỉnh ký quy chế phối hợp với BHXH tỉnh. BHXH đã cung cấp và LĐLĐ tỉnh đã tiếp nhận trên 1150 hồ sơ khởi kiện các đơn vị nợ BHXH. Các công việc liên quan đến khởi kiện DN nợ BHXH được các cấp Công đoàn thực hiện khá quyết liệt nhưng đến nay trong số hơn 144 đơn Công đoàn khởi kiện DN ra tòa có 12 đơn bị tòa án trả lại, số còn lại vẫn chưa được đem ra xét xử.

Hiện nay, các DN đang nợ lên tới 9.900 tỷ đồng, trong đó có đến 1.400 tỉ đồng nợ có khả năng mất trắng. Đây là các DN đã giải thể hoặc phá sản. Như vậy quyền lợi người lao động sẽ không được đảm bảo trong khi trước đó họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH.

Đến nay, đã có 11 LĐLĐ tỉnh trên toàn quốc khởi kiện 76 DN nợ đọng BHXH. Dự kiến, trong tháng 2 này, 16 LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục khởi kiện 74 DN nữa. Như vậy là đã có 144 DN nợ BHXH bị công đoàn khởi kiện đến tòa án.

Ngoài ra, LĐLĐ các tỉnh còn gửi thông báo cho DN nợ BHXH và ấn định ngày nộp tiền, nếu đến hạn mà không khắc phục nợ đọng sẽ khởi kiện, qua đó đã thu được 21 tỷ đồng của các DN nợ BHXH.

Ông Quảng cũng cho biết, qua thực tế, việc công đoàn khởi kiện DN rất khó khăn vì phải theo quy trình tranh chấp lao động tập thể, mặt khác, giữa các văn bản còn chưa đồng bộ, thống nhất, còn nhiều vướng mắc như giữa Luật BHXH 2014, Bộ luật Lao động, Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Nghị định 43. Trong 74 đơn khởi kiện trên thì tòa án trả lại 12 đơn, còn lại cũng chưa có được vụ nào theo đúng trình tự thủ tục.

Công đoàn khởi kiện phải theo quy trình của tranh chấp lao động tập thể, vướng mắc ở đây là theo trình tự thủ tụng tố tụng tranh chấp lao động, để khởi kiện thì công đoàn cơ sở phải đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên, nhưng thực tế là công đoàn cơ sở không dám khởi kiện chủ sử dụng lao động và cũng ngại ủy quyền cho công đoàn cấp trên; thực tế trong 12 đơn bị tòa án trả lại là do không có thủ tục ủy quyền.

Trình tự thủ tục rất phức tạp, phải qua bước giải quyết tranh chấp lao động tập thể, tức là phải qua hòa giải, không hòa giải được thì Chủ tịch UBND cấp huyện đứng ra giải quyết, nếu Chủ tịch UBND cấp huyện cũng không giải quyết được hoặc quá hạn không giải quyết thì bắt đầu tiến hành thủ tục tố tụng.

Cho đến nay, mặc dù sự phối hợp giữa tổ chức công đoàn và BHXH rất quyết liệt nhưng kết quả để công đoàn đứng ra là nguyên đơn khởi kiện theo điều 14 Luật BHXH thì chưa giải quyết được vụ nào. Tổng LĐLĐ dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành giữa Tòa án Nhân dân Tối cao, BHXH Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội để tháo gỡ vấn đề này.

Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra dẫn chứng, tại Khánh Hoà và Đà Nẵng, toà án đã đứng ra xử lý nhiều vụ kiện nợ BHXH. Tuy nhiên, đây là những vụ người lao động uỷ quyền cho công đoàn đứng ra khởi kiện nợ BHXH chứ không phải thực hiện theo quy định công đoàn chủ động khởi kiện theo quy định của luật BHXH 2014. Qua đó cũng cho thấy những vướng mắc. Một số ngành liên quan vẫn cho rằng, người lao động bị DN không đóng BHXH. Do đó, cá nhân người lao động phải đứng ra khởi kiện chứ không phải là tổ chức công đoàn.

Vừa mới đây, thực hiện Quy chế số 2803/QCPH-TLĐ-BHXH về công tác phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT (giai đoạn 2015-2020), BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ban hành kế hoạch số 474/KH-BHXH-TLĐ phối hợp công tác năm 2017.

Theo đó, kế hoạch tập trung vào 4 nội dung gồm: Xây dựng và hướng dẫn chính sách; khởi kiện, thanh tra và kiểm tra DN; thông tin và truyền thông; phối hợp thực hiện các nội dung khác theo Quy chế phối hợp số 2803/QCPH-TLĐ-BHXH.

Cụ thể, việc khởi kiện, thanh tra, kiểm tra DN sẽ do Vụ Pháp chế, Vụ Thanh tra – Kiểm tra, Ban Thu (BHXH Việt Nam) và Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) phối hợp thực hiện. Hai bên có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan BHXH và tổ chức Công đoàn các cấp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật; tổ chức các cuộc họp giữa lãnh đạo TAND tối cao, BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Văn phòng chính phủ… về việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc giao cho Công đoàn khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; giải quyết, khiếu nại, tố cáo và giải quyết đơn thư về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tổ chức phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành việc chấp hành pháp luật và thực hiện các chính sách BHXH, BHYT đối với NLĐ… Đồng thời, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Thanh tra Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong DN tại các địa phương.

Ông Lê Đình Quảng đưa ra kiến nghị, có thể phải sửa đổi, bổ sung để có sự đồng bộ về Luật Lao động, Luật Tố tụng dân sự, Luật BHXH nhằm tạo sự thuận lợi trong công tác khởi kiện nợ DN nợ BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, để giảm nợ BHXH cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát và nâng cao ý thức chấp hành của DN và đơn vị tham gia BHXH./.

Nguồn BHXH

Đăng ký sử dụng phần mềm kê khai BHXH điện tử để được cập nhật thông tin mới nhất từ BHXH điện tử qua email điện tử về thời gian nộp tờ khai BHXH   sử dụng phần mềm VNPT BHXH là lựa chọn tốt nhất cho việc kê khai bảo hiểm xã hội từ BHXH VNPT

Share this post